3 tháng 12, 2015

Chai sữa đổ

          Tất cả chúng ta đều hiểu, chẳng có gì hay ho về chuyện làm đổ sữa. Nhưng câu chuyện này hoàn toàn khác. Tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh có thể hành xử theo cách này.

          Gần đây tôi có nghe người ta kể về một nhà khoa học nổi tiếng. Ông đã tạo ra những đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực y học. Một phóng viên đã phỏng vấn ông và hỏi rằng, tại sao ông nghĩ rằng mình có thể sáng tạo nhiều hơn so với những người bình thường? Điều gì đã khiến ông rất khác biệt với những người khác?
          Nhà khoa học trả lời, theo ông, mọi chuyện hẳn bắt đầu từ một trải nghiệm từng có với mẹ ông. Sự việc xảy ra khi ông chỉ mới hai tuổi. Lúc đó, khi đang cố lấy một chai sữa trong tủ lạnh ra thì ông trượt tay và chai sữa rơi xuống đất, tung tóe tất cả lên sàn bếp, hệt như một biển sữa vậy!
          Khi mẹ ông bước vào, bà không la mắng, cũng không dạy dỗ hay trách phạt gì, chỉ bảo ông, “Ồ, Robert, con đã tạo ra một cảnh lộn xộn tuyệt vời và thú vị thật đấy! Mẹ chẳng mấy khi thấy một vũng sữa lớn như vậy đâu. À, vậy là đã có thiệt hại rồi đây. Con có muốn ngắm nhìn và chơi với chỗ sữa đó một chút trước khi mẹ con mình dọn dẹp nó không?”.


          Tất nhiên là Robert thích rồi. Sau một lát, mẹ cậu bảo: “Con biết không Robert, mỗi khi con tạo ra một sự lộn xộn thế này, rốt cuộc rồi con cũng sẽ phải dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ trở về trật tự ban đầu. Vậy giờ con muốn làm thế nào? Chúng ta có thể dùng thìa hay khăn, hoặc chổi. Con thích cái nào hơn?”. Cậu bé đã chọn thìa và thế là hai mẹ con cùng nhau dọn dẹp chỗ sữa bị đổ.
          Rồi mẹ Robert lại bảo, “Con biết không, điều mà chúng ta thấy được trong việc này là sự cố xảy ra khi bê một chai sữa to chỉ bằng đôi bàn tay bé xíu. Mẹ con mình hãy cùng ra phía sân sau và đổ lại đầy nước vào chai. Và con sẽ tìm ra cách để có thể bưng chai nước mà không làm rơi nó”. Thế là cậu bé đã hiểu rằng, nếu nắm chặt vào miệng bình bằng cả hai tay, cậu hoàn toàn có thể bưng chai sữa mà không làm đổ. Thật là một bài học tuyệt vời!
          Nhà khoa học nổi tiếng đã ghi nhớ khoảnh khắc đó vì nó giúp cậu hiểu rằng, mình không nên sợ hãi khi mắc phải những sai sót.
          Cùng với đó, cậu cũng học được một điều, lỗi lầm chính là những cơ hội để ta học hỏi một điều mới mẻ, cũng giống như những thí nghiệm khoa học sau này. Ngay cả khi không thành công, thường thì ta vẫn có thể học được điều gì đó từ nó.
          Sẽ chẳng phải rất tuyệt vời hay sao nếu tất cả các bậc cha mẹ đều hành xử với con cái theo cách mẹ Robert đã làm với cậu.




Không có nhận xét nào: