6 tháng 3, 2016

Kén vợ


          Buổi sáng thứ bảy mưa dầm dề. Trời một mầu xám đục, gió thổi ào ào qua những hàng cây si lá nhỏ xanh mướt trước nhà. Truyền hình tiên đoán sẽ có trận bão khá lớn vào rạng sáng Chủ Nhật làm mọi người trong vùng đều lo âu.
          Trượng đứng trong cửa kính nhìn ra ngoài trời, mặt buồn so. Tối mai hắn lên máy bay để bay về Việt Nam mà giờ này T.V. còn thông báo mưa với bão thì làm sao về?
          Hắn không thích phải dời lại mặc dầu không mất xu teng nào phải trả thêm cho hãng máy bay. Thời tiết xấu, những chuyến bay phải hủy bỏ bất ngờ là thường, nhất là vào mùa Ðông có mưa tuyết.
          Ðang suy nghĩ, bỗng hắn nghe có tiếng người ở phía sau lưng:
           “Chú Trượng dậy sớm thế?”
          Hắn quay lại. Chị Tư, chủ nhà hắn “se” phòng.
           “Sao anh Tư nói hôm nay anh chị đưa các cháu đi chơi ở “Ðập Hai trăm năm” cơ mà?”
           “Chú thấy không? Mưa bão quá làm sao đi được? Ðể cuối tuần khác vậy. À, khuya nay chú phải lên máy bay, mưa gió như thế này làm sao bay?”
          Hắn thở dài ì ì:
           “Chết tôi đấy chị. Vẫn cứ phải lái xe ra phi trường trình vé, lặn lội thế mà hãng máy bay hủy bỏ chuyến bay là lại phải chờ đợi cả ngày trời nữa trong khi tôi đã sắp xếp người ở Việt Nam ra đón ở phi trường rồi.”
          Anh Tư ở phòng trong đi tới, anh góp chuyện:
           “Kỳ này chú Trượng về, lúc trở sang đây là có lời thêm một người nữa, phải không chú Trượng?”
          Hắn ngượng ngập một cách sung sướng:
           “Chưa biết có nên cơm cháo gì không anh Tư...”
          Chị Tư xen vô:

           “Việt kiều ở Mỹ về lấy vợ dễ lắm chú. Nghe nói mấy ông già bảy, tám chục kiếm vợ cũng còn được huống hồ chú, mới bốn mươi thì thiếu gì con gái trẻ đẹp.”
          Hắn có nghe câu chuyện ông cụ Chuẩn ở tỉnh kế cận, gần tám chục tuổi, bà vợ mất khoảng hai, ba năm nay, sáu tháng vừa qua ông về cưới một bà vợ ở Việt Nam, khoảng năm mấy, sáu chục. Bà này chưa sang được nhưng hy vọng luật sư sẽ làm đủ thủ tục để bà này sang vào sáu tháng tới. Hắn muốn nghe lại câu chuyện một lần nữa để cảm thấy cái “khoái tỉ” của Việt kiều muốn cưới ai cũng được nên hắn giả bộ:
           “Già bảy, tám chục tuổi ma nó lấy. Như tôi cũng cảm thấy già rồi mà chị.”



          Chị Tư phản đối ngay:
           “Chú biết ông cụ Chuẩn bao nhiêu không? Bảy mươi tám. Cái tuổi gần đất xa trời, ở đây có ai thèm, vậy mà về Việt Nam cưới được bà mới năm mấy, nghe nói còn ngon kinh khủng, thế thì chú là cứ phải gái tơ, hai mươi, hăm mấy cho nó sướng cái cuộc đời.”
          Hắn chỉ chờ đợi được nghe những câu đó, cảm thấy như người bay bổng lơ lửng trên không. Hắn làm bộ bật mí:
           “Chưa về mà ở nhà đã viết thư sang nhắm cô này, cô kia cho tôi rồi. E lúc đó bối rối không biết lựa ai.”
          Anh Tư ra vẻ thông thạo về đàn bà vì ít nhất anh đã có “kinh nghiệm xương máu” về những người thực sự làm chủ gia đình:
           “Trẻ chừng nào tốt chừng đó, chú Trượng. Cùng bất đắc dĩ lắm mới phải lấy gái già. Ðã già cái gì cũng kém. Tôi mà được trở lại cái thời như chú bây giờ là tôi lấy gái mười sáu. Hai mươi coi như già chát rồi.”
          Chị Tư nghe chồng nói lộn tiết, chị vươn tay nhéo một cái cật lực vào cánh tay chồng, giọng chua như dấm:
           “Nghèo mà ham. Ở đó mơ mộng mười sáu với mười bảy. Con gái anh nó cũng mười hai, mười ba rồi kia. Sắp có sui gia rồi, ăn nói bậy bạ không sợ con nít nó cười cho.”
          Anh Tư bị cái nhéo đau quá, anh la lên “Ðừng, đau tôi!” và vội vã đứng tránh xa bà vợ sư tử cái Hà đông, miệng vẫn cố gượng một nụ cười để khỏa lấp:
           “Ðàn ông ai chẳng vậy, phải không chú Trượng? Lòng trâu cũng như lòng bò.”
          Trượng gật gù để lấy lòng người đàn ông chủ nhà:
           “Ðúng, anh Tư. Ðàn ông ai không thích gái tơ. Nói chị Tư đừng buồn, đàn bà già coi như vứt đi rồi.”
          Chị chủ nhà không vừa gì:
           “Xí... Già cũng năm bảy đường già chú à. Nhiều con mẹ tuổi còn nhỏ hơn tôi mà sờ vào da thịt nhão nhào, búng ra hồ, bẹo ra nước, chỉ được cái mặt tô son trát phấn dầy mo lên. Lấy khăn ướt chùi sạch đi hoặc sáng ra mới ngủ dậy trông thấy mà gớm. Phải mấy con mẻ, chú có ưng không?”

           “Thứ đó chú Trượng đâu có thèm.” Anh Tư đế vô, anh vẫn chưa tởn cái véo tím tay vừa xong. “Phải là mười tám, đôi mươi cho nó đáng công về tận Việt Nam, phải không chú Trượng?”
          Hắn sung sướng ra mặt:
           “Có lẽ vậy, anh Tư.”

          Ðêm hôm đó, hắn nhờ anh Tư đưa hắn ra phi trường. May quá, chuyến bay vẫn bay như dự định, đáp xuống Ðài Loan mấy tiếng để thả khách xuống, lấy xăng và đón thêm khách lên rồi bay thẳng về Sàigòn. Người nhà đã chờ hắn ở phòng đợi, một chiếc xe Van được bao thuê từ Mỹ Tho lên để chở hắn cùng gia đình trở về Mỹ Tho.
          Sau mười lăm năm không gặp, mẹ hắn ôm chầm lấy hắn:
           “Mầy về má mừng quá, Năm à. Má tưởng đến lúc chết má cũng không được gặp lại con, giống như hồi ba con đi rồi mất tích đó.”
          Hắn vỗ vỗ vào lưng bà già:
           “Con cũng mừng gặp lại má và gia đình.”

          Rồi hắn rời bà già để lần lượt ôm mấy anh chị và mấy đứa em của hắn.
           “Kìa anh chị Hai, anh chị Ba. Anh chị Tư đâu? Con Sáu, con Bảy, con Tám giờ lớn quá héng?”
          Anh Hai nhìn hắn:
           “Chú về lần nữa thì chúng nó có chồng, có con hết rồi.”

          Mọi người đều cười ồ, lên xe. Dọc đường, ngó bên ngoài hắn thấy quang cảnh đổi khác rất nhiều nên trong lòng dâng lên một cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Chưa biết cuộc sống của gia đình hắn ra sao nhưng trong hiện tại thấy mọi người có vẻ vui gượng và rất dè dặt lời ăn tiếng nói, một điều không hề có ở mấy người anh vốn bạo ăn bạo nói của hắn, xưa kia là quân nhân trong chế độ Miền Nam Việt Nam.
          Nghỉ ngơi và đi thăm bà con, họ mạc trong ba, bốn ngày đầu, ngày hôm nay bà mẹ hắn gọi hắn nói:
           “Nầy Năm, má thấy con đã bốn chục tuổi mà má cũng già quá rồi. Như mấy lần con gọi điện thoại về và má đã cho con hay, chiều hôm nay má sẽ dẫn con sang bên bác Chín để coi mắt con gái bác. Con nhỏ này má coi bộ được lắm. Có nhiều người ngắm nghé nó, nhưng má nói xa nói gần với bác Chín để dành cho con.”
          Hắn không suy nghĩ, hỏi ngay:
           “Nhỏ này độ bao nhiêu tuổi hả má?”
          Bà già ngay thật:

           “Má nghĩ nó bằng tuổi con Sáu, cũng trên ba chục.”
           “Sao già vậy má?”
          Bà già nhìn hắn:
           “Trên ba chục thì nó thua con khoảng bẩy, tám tuổi. Cỡ đó má nghĩ là vừa. Ngày xưa ông bà mình “gái hơn hai, trai hơn một” thì sao?”
           “Ðàn bà sanh đẻ mau già lắm má. Bây giờ lấy trẻ trẻ thì ít nữa mới vừa.”
           “Trẻ là bao nhiêu hả mậy?” Bà già ngó hắn lom lom.
          Hắn thấy bà già hơi có vẻ gắt nên ngập ngừng:
           “Có đứa nào khoảng... mười tám, đôi mươi không má?”
           “Chu choa!” Bà Tám la lên. “Ðúng là bố nào con nấy. Mầy y như cái tính ông già của mày. Chỉ hảo ngọt, chỉ thích gái tơ. Nhưng con ạ, con lấy cái thứ ban đêm còn phải cõng nó đi đái ấy chỉ khổ thân con thôi. Nó nhõng nhẽo, đòi này đòi kia, mầy nát người mầy ra.”
          Mặc dầu hắn mới nghe tuổi lớn đã không ưng, nhưng bà Tám cố níu kéo thằng con trai cưng sang chơi nhà bà Chín vì trước đây một đôi lần vui miệng, bà đã hứa là sẽ làm sui với bà Chín khi thằng con trai bà về dạm vợ.

          Buổi sang coi mắt cũng khá vui. Không có tiệc mặn nhưng có bánh trái, nước ngọt, nước trà. Bánh hoa hồng nhỏ nhỏ, xinh xinh đựng trong đĩa giấy cho mỗi cái trông rất khéo, như của tiệm bánh thứ thiệt, bánh bông lan mầu vàng nghệ nổi bông lên nhẹ hều, trông đã thấy muốn ăn. Trà sen bốc khói thơm ngọt ngào và nhà cửa, bàn ghế thì ngăn nắp, sạch sẽ, vui tươi dù trong cảnh đạm bạc.
           “Chị ngồi đây, chị Tám.” Bà Chín niềm nở chào đón hai mẹ con bà Tám với vẻ hết sức quí trọng, ân cần. ” Năm ngồi đây đi cháu. Sao, nói chuyện nước ngoài cho bác nghe đi. Cháu mần công việc chi ở bên đó?”
          Hắn đâu có bụng dạ ngồi kể chuyện nước ngoài cho mấy bà già trầu nghe, dù bà ấy là bạn thân với má hắn. Hắn sang đây chỉ vì nể lời má hắn ép sang, nhưng đã sang rồi thì cũng muốn coi mặt cô con gái bà Chín xem ra sao. Tuy nhiên, chưa coi hắn cũng cảm thấy việc không thành rồi. Băm mấy thì không được. Về Việt Nam để lấy thứ băm mấy, thà chết già ở Mỹ sướng hơn. Hắn đã có thành kiến với những người đàn bà lớn tuổi, thành kiến ấy càng trở nên bất di bất dịch vì đám bạn bè như anh Tư thổi vào đầu hắn.
           “Cháu làm Mê-nê-dơ cho hãng sản xuất sắt, thép thưa bác. Công việc này cháu đã làm hơn chục năm rồi.”
          Bà Chín tươi cười:
           “Làm Mê-nê-dơ là làm cái chi hở cháu? Bác với má cháu quanh năm ở đồng quê đâu biết chữ Anh.”

           “Mê-nê-dơ là trông coi thợ thuyền đấy bác. Cháu coi khoảng năm chục người, hết hơn bốn chục là người Mỹ, Mỹ đen có, Mỹ trắng có, Mễ có, Việt Nam, Ðại Hàn có...”
          Bà Chín chắc lưỡi xuýt xoa:
           “Chu choa. Cháu giỏi quá héng. Má cháu tha hồ được nhờ. Lâu lâu về thăm nhà cho má cháu vui, Năm à!”
           “Dạ...”
          Hắn tỏ ra thờ ở với những câu hỏi của bà Chín. Hắn chỉ mong cô con gái bà Chín ra để hắn ngó một cái, rồi về. Vậy thôi. Chứ chắc chắn tuổi đó không lấy được. Nãy giờ chạy qua chạy lại để bà Chín sai vặt là mấy đứa con gái nhỏ, con hay cháu bà Chín hắn không biết vì bà Chín chỉ kêu chúng bằng tên.

          Hắn vừa ăn xong một cái bánh hoa hồng cho phải phép chủ nhà mời mọc ráo riết quá, cảm thấy ở nhà quê mà bánh làm cũng ngon, bột bánh dẻo, mềm, nhân thơm ngon đậm đà lại có chút dầu cà cuống rất đúng điệu thì nghe bà Chín gọi cô con gái cưng:

“Liễu đâu con? Con ra chào bác Tám với anh Năm sang chơi đi con.”

Bà Chín phải gọi đến lần thứ hai mới thấy cô con gái ra. Cô mặc một bộ đồ bà ba đen, tóc uốn tử tế, mặt mày xinh xắn, nhất là cái miệng có duyên và đôi mắt ngó ngay, trong sáng. Dáng dấp cô có eo có co đàng hoàng, người không cao không thấp, tóm lại nhan sắc cô trên trung bình đối với gái quê. Cô nở một nụ cười dịu dàng nhìn bà Tám với cái nhìn rất quí mến, thân thiết lâu ngày:
           “Con chào bác Tám. Bác Tám sang chơi.”

          Cô e lệ không dám nhìn hắn trong khi hắn ngó chằm chằm vào mặt cô gái để đánh giá xem đẹp, xấu, trẻ, già. Cô đang bối rối chưa biết đối xử ra sao thì bà Tám vời cô lại, vẻ âu yếm:
           “Liễu ngồi đây với bác.” Rồi bà quay sang bà Chín: ”Nó thứ mấy vậy bà, kêu Liễu, Liễu thành ra tui đâu có biết nó thứ mấy.”
          Bà Chín sắp lại vài cái bánh trên đĩa:
           “Nó thứ Tám đó. Nhưng từ hồi đi dạy tiểu học, học trò cứ gọi nó bằng tên thiệt chứ không gọi thứ. Riết rồi ở nhà cũng quen miệng gọi vậy.”
          Liễu đứng lên cầm dao xẻ bánh và đặt vào mỗi chiếc đĩa nhỏ một miếng bánh bông lan. Cô bê đĩa bánh đến từng người. Bà Chín vừa mời bà Tám và hắn, vừa nói:

           “Bánh nầy con Liễu làm hết đấy bà. Từ hồi mười, mười hai tuổi nó đã mê nữ công, gia chánh, đi học hết lớp này đến lớp kia, về nhà là mua vật liệu thực tập, hư ăn không được phải đổ. Như cái bánh hoa hồng này, nó làm năm lầm bẩy lượt mới ra thế này đó. Bánh bông lan dễ hơn nhưng mua cho đủ bột, đường, bơ, bột nổi để làm nhiều khi cũng khó. Có tiền mà không có vật liệu. Bà Tám với cháu Năm dùng nhiều đi”.
          Lúc Liễu trao đĩa bánh cho hắn, hắn thử toét miệng cười với Liễu nhưng Liễu chỉ mỉm một nụ cười nhẹ nhàng, đứng đắn. Liễu không thích bọn con trai bờm xơm, thô bạo.
          Bà Tám trầm trồ:
           “Bánh Liễu làm bác ăn ngon lắm. Có lẽ ngon hơn bánh Tấn Thành hiệu con trâu xanh ở Mỹ Tho nữa. Chừng nào con hưỡn, sang chỉ cho Bẩy và Tám con bác chúng biết làm nữa với.”
          Liễu chỉ nhẹ nhàng “Dạ” nhỏ trong miệng, nhưng bà Tám nghĩ tiếp, con nhỏ về làm dâu bà thì có thiếu gì cơ hội nó làm bánh cho bà ăn và dạy mấy đứa em chồng. Cùng lối xóm sớm tối gặp nhau nhưng bà Tám đâu dè con nhỏ khéo tay đến vậy. Chẳng gì Liễu cũng đang là một cô giáo tiểu học, đã có bằng Trung học đệ nhất cấp từ hồi xưa, được tiếng trong vùng là cô giáo tận tâm, dạy giỏi và được học sinh rất quí mến.

          Mọi ngày Liễu ăn mặc xuềnh xoàng đi dạy, bà Tám đâu có thấy Liễu đẹp, hôm nay Liễu trưng diện lên trông Liễu chỉ chừng hăm lăm, hăm sáu. Bà Tám coi chân cẳng Liễu, đoán Liễu sẽ tốt con. Không cần đẻ nhiều, chỉ vài ba đứa nhưng giòng giống mẹ có tốt, con mới tốt, mới thông minh, học giỏi nên người.
          So ra, bà Tám thấy Liễu có vẻ còn trội hơn con bà nữa. Thằng Năm chỉ có cái mã Việt kiều, chớ tuổi thì đã cứng, bốn chục còn gì. Mặt mày trông có lanh nhưng là cái lanh thủ đoạn, ăn người, không có những nét đằm thắm, đôn hậu như Liễu.
          Ngồi nhìn hết con trai đến Liễu, đến nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; nhìn những đĩa bánh tinh khiết, thơm ngon, xếp đặt khéo léo chứng tỏ cái người làm ra chúng cũng khéo léo, cẩn thận, sắp đặt đâu ra đó, bà Tám thầm cầu Trời khấn Phật cho thằng con trai xiêu lòng vì những ưu điểm của Liễu mà sang hỏi Liễu làm vợ.
           Bà cũng ngại một điều khác. Cùng lối xóm biết nhau đã mấy chục năm nay, thân thiết như trong họ mạc, vui buồn có nhau như bà Chín với bà, sang coi mắt con người ta là cả làng, cả xóm đều hay, rồi lại đi lấy người khác, cưới cô khác, mang lại sự bẽ bàng cho người ta thì mặt mũi nào nhìn nhau. Cái khổ là ở chỗ đó. Thí dụ như không sang chơi nhà người ta kia, thì sao cũng dễ. Sang thế này chỉ để ngó mặt một cái rồi về, bắt người ta sửa soạn bánh trái, dọn dẹp nhà cửa rồi chẳng lấy, làm mất duyên con gái người ta, thiệt bà Tám không muốn chuyện đó xảy ra một chút nào.

          Sau hai tuần trà và đã thưởng thức đủ các loại bánh, bà Tám đứng lên kiếu từ ra về.
          Trước khi ra khỏi cửa, hắn còn cố ngoái lại nhìn Liễu một lần nữa. Hắn thầm công nhận Liễu xinh, dễ thương và có nhiều tài về tề gia nội trợ. Nhưng chỉ có một điều làm hắn bứt rứt: Liễu đã băm mấy rồi. Giả sử cũng con người đó, diện mạo tính tình đó mà lấy bớt đi được hơn chục tuổi, chỉ còn để lại khoảng 20, 22 là cùng thì đẹp biết mấy. Mười sáu, mười bẩy thì không dám mơ vì tưổi hắn cũng đã bốn chục.
          Sau mấy ngày ở nhà, dò ý mấy người chị dâu cũng như mấy đứa em gái, hắn biết không thể nào lấy gái 16, 17 được. Thật quá uổng, hắn chặc lưỡi tiếc rẻ. Chỉ tội cái tưổi lớn mà không ưng chứ nếu hăm mấy thì còn gì bằng.

          Về tới nhà, câu đầu tiên chị Ba, chị dâu hắn và nhỏ Sáu, em gái, hỏi hắn là:

“Sao chú Năm, coi cô Liễu được hông? Ðẹp và ngoan nhất xóm và cả vùng này nữa đó. Cô giáo tiểu học lương ít nhưng ít nữa theo chú sang Hoa Kỳ thì có sao đâu.”
          Hắn thở dài ì ì ngồi xuống chiếc ghế sa-lông có vẻ chán nản. Chị Ba ngó hắn coi bộ không êm liền nói:
           “Gái quê thì chỉ có vậy thôi, đâu văn minh như đầm Mỹ được nhưng là người làm ăn, chăm chỉ, chồng con được nhờ chứ chồng không phải hầu hạ như đầm Mỹ. Việt kiều về nói chị mới biết, nhiều thanh niên Việt lấy vợ Mỹ khóc dở mếu dở. Nó chỉ biết ăn rồi nằm chờ chồng đi làm về đưa tiền cho nó đi sắm sửa, tiêu pha. Nó đâu có chịu cực, chịu thiếu thốn như người Việt mình. Các cụ mình gọi là “hạng ăn sẵn, nằm ngửa” đấy...”
          Bà Tám đang đi từ nhà bếp đi lên. Từ lúc về, bà chưa có dịp hỏi ý kiến Năm xem ra sao.
          Chị Ba thấy bà Tám thì nín khe, chị biết chị không nên có ý kiến về việc trăm năm của em chồng. Hay không được tiếng khen, dở bị đổ thừa thì khổ. Ý chị và các cô em chồng như Sáu, Bẩy, Tám đều tán thành Năm lấy Liễu. Tuy cùng bạn đàn bà cả nhưng chị Ba thấy Liễu rất được người, được nết. Thiếu gì người đến mai mối, nhòm ngó Liễu cho con, cho em người ta nhưng hình như bà Chín và cả nhà chỉ thích cho Liễu lấy một Việt kiều. Việt kiều ở Úc, ở Pháp, Canada, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Ðiển đều được hết nhưng ở Mỹ thì quí hơn vì nghe người ta đồn ở Mỹ dễ làm ăn hơn.

          Năm được biệt đãi hơn những người khác là vì Năm đang sinh sống tại Mỹ, đúng ý muốn của cả nhà bà Chín, lại là con trai bà Tám lối xóm, hai bà đã đều biết tính tình nhau thì mọi việc coi như xong 90% rồi.
          Mười phần trăm còn lại để dành cho Năm. Hắn gật đầu một cái là xong liền.
          Bà Tám ngồi xuống chiếc ghế sa-lông bằng gỗ ở phòng khách đối diện với Năm trong lúc Năm đang cầm tờ báo. Tờ báo lớn che khuất cái mặt của Năm mà chỉ thấy hai bàn tay hắn đang giương tờ báo cho cao để nhìn vào. Chẳng biết hắn có đọc thật hay chỉ làm cái cớ để tránh những câu hỏi của bà Tám về vụ vừa xong mà hắn biết chắc thế nào cũng có.
           “Mầy, coi con nhỏ ra sao, hả Năm?”
          Bà Tám bắt đầu nhè nhẹ. Hắn vẫn không bỏ tờ báo xuống nhưng làm bộ chăm chú đọc:
           “Con nhỏ nào hả má?”
           “Xời ơi, mầy như người trên cung trăng. Con Liễu con bà Chín tao với mầy vừa đi coi mắt đấy, còn con nhỏ nào nữa.”
          Hắn thở ra:

           “Gì cũng được hết nhưng chỉ mỗi tội...”
           “Tội gì hả mậy?” Bà Tám có vẻ hơi cáu, giọng bà có cường độ.
          Mắt hắn vẫn không rời tờ báo:
           “Già quá!”        
          Bà Tám la lên, bà giận thằng con thiệt tình:
           “Chèng đéc ơi, con người ta trẻ trung, xinh đẹp, khéo léo hết cỡ như vậy mà mầy còn chê. Nữ công gia chánh, đức hạnh, học vấn, cái gì cũng trội, cũng trên trung bình rất nhiều mà mầy chưa vừa lòng thì tao không biết mầy còn kén đứa nào ngon hơn. Mầy nhìn lại mầy, xem mầy bao nhiêu tuổi rồi? Tao chưa hỏi kỹ bà Chín nhưng ít ra mầy cũng hơn nó cả chục.”
          Hắn vẫn dán mắt vào tờ báo. Bà già đâu có hiểu những lý lẽ của hắn, những lý lẽ mà anh Tư cũng như nhiều bạn trai độc thân bên Hoa Kỳ chủ trương và chỉ vẽ cho hắn.
          Hắn chợt nhớ đến ông cụ Chuẩn nào đó. Phải cho bà già hay may ra bà già mới “đổi mới tư duy” được, cái danh từ hắn vừa đọc được trong báo:
           “Con nói má hay. Tỉnh con ở bển có ông già gần tám chục mà về Việt Nam cưới bà vợ mới năm mấy. Trẻ ơi là trẻ. Chẳng gì con cũng chỉ nửa số tuổi của ổng lấy vợ băm mấy thì thà ở giá cho rồi.”
          Bà Tám nổi sùng lên:

           “Mầy tưởng mấy con mẻ, lấy mấy ông già Việt kiều góa vợ mà ngon à? Mấy mẻ chỉ cốt lấy tiền với lại có dịp ra nước ngoài rồi bảo lãnh con cái, bầu đoàn thê tử qua thôi. Tình nghĩa gì mấy con mẻ. Tao nói không đúng cứ gọi là tao nằm cho thiên hạ đánh bằng chổi chà. Bây giờ mầy lại đi bắt chước mấy thằng cha già dại gái đó sao?”
          Hai mẹ con bà Tám vừa lời qua tiếng lại tới đó thì anh Hai về tới. Nãy giờ đứng ở phòng trong, anh Hai đã nghe má và Năm tranh luận và đã hiểu rõ ngọn ngành. Vốn trọng tự do cá nhân, Hai bước ra phòng khách:
           “Thôi má à. Việc trăm năm của chú Năm cứ để cho chú quyết định. Nó bốn chục tuổi đầu rồi, phải 18, đôi mươi gì còn non dại mà má và cả nhà phải xía vô. Chú thích lấy ai thì cứ để chú lấy.”
          Bà Tám không biết nói sao hơn. Bà vừa tiếc cô con dâu hụt tài sắc vẹn toàn, vừa ngại ngùng khi nghĩ đến phải ăn nói làm sao với bà Chín đã biệt đãi thằng con trai của bà thật ra không xứng đáng tí nào với Liễu.


          Năm ở lại Việt Nam đến hai tháng vì quyết chí phải lấy bằng được cô vợ rồi mới trở lại Mỹ. Lẽ ra hắn đâu có được đi lâu như thế vì làm việc lau chùi, dọn dẹp cái Siêu thị Mỹ này mới được hơn chục năm, tuy có vacation nhưng mới được ba tuần mỗi năm. Hắn phải nói với ông Mike, manager, mới được nghỉ không lương 5 tuần nữa.
          Sau đám coi mắt Liễu không nên chuyện, Năm chưa dám giục bà già đi coi những đám khác vì coi bộ bà Tám còn “kết” Liễu lắm. Bà không nói thẳng với hắn nhưng cứ xuýt xoa với con dâu, con gái là bà tiếc Liễu quá. Cái con bé thiệt ngộ, thiệt giỏi, thiệt đảm đang mà nó chê. Chắc nó lấy công chúa bên Tàu!
          Thời may có một người mối manh đến vào lúc Năm đã ở nhà được một tháng.
          Bà này tên Ngọ, vốn xưa kia có quen biết với bà Tám nhưng lâu ngày bẵng đi hai bên không giao thiệp. Bà Ngọ nghe người ta đồn bà Tám có cậu con trai Việt kiều về Việt Nam kén vợ, bà liền đến thăm bà Tám. Sau những câu hỏi xã giao thường xuyên, bà Ngọ đi vào đề liền. Rằng bà có cô cháu gái kêu bằng dì, con người em ruột, xinh xắn dễ thương lắm, bà muốn làm mai cho con trai bà Tám. Câu đầu tiên bà Tám hỏi bà Ngọ về người con gái là: “Con nhỏ năm nay bao nhiêu tuổi?” Bà Ngọ đáp: “Nó khoảng 20, 21 gì đó, trẻ măng à.” Bà Tám nghe được thì mừng thầm, bà nghĩ bụng chuyến này thằng con trai khó tính của bà ắt sẽ hài lòng.
          Hai hôm sau, bà Tám y hẹn đưa Năm đến coi mắt cô gái. Trước khi đi hắn đã hỏi kỹ lưỡng bà Tám là cô gái bao nhiêu tuổi và bà Tám cứ theo lời người mai mối nói con nhỏ mới 20, 21. Trái với đám coi mắt Liễu, nhà gái chẳng sửa soạn gì nên nhà cửa bùm xùm như gánh hát, người lớn, con nít đông đặc trong một căn nhà nhỏ xíu chỗ ngồi không đủ. Tiếng con nít la khóc át cả tiếng nói chuyện của người lớn. Cô gái tên Diệu Anh bưng khay trà ra mời, ngỏn ngoẻn chào bà Ngọ là dì, chào bà Tám là bác và liếc mắt đưa tình với hắn làm hắn tràn ngập sung sướng.
          Diệu Anh coi bộ lanh chứ không thùy mị như Liễu. Cô ta mời trà xong vào phòng trong còn nghe mấy đứa em đứa cháu cười khúc khích nói to với nhau: “Ê, chị Diệu Anh, đừng đứng nhìn trộm anh rể của em đấy nhé.”
          Bà Tám, bà Ngọ, ba má Diệu Anh và Năm ngồi ở phòng khách đều nghe nhưng chuyện con nít con nôi trửng giỡn với nhau, có chi phải để ý?
          Ðám cưới được tổ chức cấp tốc để cô dâu chú rể có vài tuần trăng mật, trước khi Năm phải trở lại Mỹ. Bà Chín và gia đình được mời nhưng không ai đến dự. Ðêm tân hôn, Năm khám phá chẳng những Diệu Anh không còn con gái mà lại là một người đàn bà rất thành thạo việc phòng the khiến Năm cảm thấy thất vọng ngay từ giây phút đầu của của cuộc sống vợ chồng.


          California ngày... tháng... năm

          Má yêu quí của con,
          Năm con xin có lời về kính thăm sức khỏe của má và cả nhà. Sau đây con xin tường thuật lại để má biết những nỗi khổ của con từ ngày con đưa Diệu Anh sang đây.
          Má cũng rõ gia đình ba má Diệu Anh – ông bà Tiếng – luôn luôn chỉ biết có tiền. Họ nghĩ con hái ra đô-la ở bên này nên trong hai năm qua, hết Diệu Anh đến ông bà Tiếng, luôn luôn gửi thư cho con và thư nào cũng hỏi tiền.
          Thú thật với má, con chưa gởi giúp má và gia đình được 5 ngàn đồng bạc, nhưng con đã phải xoay xở để gởi ba má Diệu Anh 8 ngàn đô-la.
          Ðể lo giấy tờ thủ tục cho Diệu Anh qua đây con phải đóng tiền cho luật sư hai ngàn, chi phí máy bay và tiền đi đường cho Diệu Anh vài ngàn nữa, sang đây con lại phải mướn nhà riêng cho thoải mái, chứ đâu có còn “se” phòng với anh chị Tư như trước. Tiền tháng trước tháng sau, tiền mua sofa, tủ lạnh, bàn ăn... rồi lại sắm cho Diệu Anh chiếc Toyota để cô ta đi học Anh ngữ, đặng sau này học nghề, đi làm... con đâm thiếu nợ lung tung đến nỗi phải đổi chiếc Lexus của con lấy cái Buick đặng có dư thêm ra 5 ngàn trả nợ. Mọi khi con chỉ trả mỗi tháng 350 đô-la tiền nhà, nay hai vợ chồng phải mướn riêng áp-pác-mân một phòng ngủ mất 650 đồng/tháng cộng thêm tiền điện, nước, điện thoại...

          Má ơi, số tiền con chi tiêu như thế cho con và Diệu Anh, con thiệt không phàn nàn vì đi làm cho có tiền để tiêu. Ðiều đáng phàn nàn ở đây là con và Diệu Anh chẳng hợp tính, hợp tình, làm như Diệu Anh ưng lấy con chỉ vì muốn đi Mỹ mà thôi. Diệu Anh đi học Anh ngữ được sáu tháng thì sanh chứng đi sớm về trễ, nhiều khi lại có con trai gọi phôn đến nhà nữa. Con gặng hỏi thì nó nói chỉ là bạn. Diệu Anh cũng ăn diện se sua hơn trước rất nhiều, quần áo, đầu tóc, móng tay, móng chưn y như đào xi-nê. Tiền bạc thì đòi kiểm soát lương bổng và cuốn sổ nhà băng của con. Con không để cho Diệu Anh tự ý tiêu pha, mua sắm, gửi về gia đình ở Việt Nam là có chuyện. Vợ chồng lại gây gổ, gấu ó, giận hờn cả tuần. Diệu Anh lúc cãi vã còn nói nếu cổ biết con chỉ làm janitor thì không bao giờ lấy, làm như con dối gạt nó vậy.
          Cách đây hai tuần, sau một trận cãi vã long trời lở đất vì một chuyện không đâu, Diệu Anh bỏ nhà ra đi sau khi bị con cho một cái bạt tai. Nó bảo nó sẽ lấy giấy chứng thương và đệ đơn ra tòa xin ly dị. Từ hôm đó nó không về nhà mà con cũng chả buồn đi kiếm. Con tiếc không nghe lời má và cả nhà nên đã bỏ mất cô Liễu. Hiện con đang sống trong lo âu thắc thỏm, chưa biết những gì ghê gớm sẽ còn xảy ra cho con. Tuy nhiên con xin má và gia đình an lòng, đừng quá lo cho con. Chuyện gì rồi con cũng sẽ đối phó được, lướt thắng được. Con đã tự bảo con thế.
            Kính thư
          Con trai của má,
Huỳnh văn Trượng tự Năm

          Chị Ba được bà Tám cho bóc thư và đọc bà nghe vì Sáu, Bảy, Tám đều đi vắng.
          Nghe tới đâu bà giận Năm tới đó, tiếc thằng con trai điên khùng học thói mấy ông già chơi trống bỏi. Bà lo cho Năm còn vụ kiện ly dị chia của cải và phải cấp dưỡng sau này đến mãn đời.
           “May mà hai đứa chưa có con cái với nhau.” Bà lẩm bẩm một mình, “chứ có cái nòi giống lăng loàn, trời đánh ấy vào chỉ khổ thân thôi.”

                 Tác giả: Xuân Vũ Trần Ðình Ngọc


.


Không có nhận xét nào: