Còn nhớ câu chuyện cả làng FB nháo nhào kịch liệt với clip cụ ông ôm bó hồng tặng
cụ bà ở sân bay. Ông không quên hôn lên má bà khi trao hoa. Rồi họ thầm thì nói
với nhau gì đó, có lẽ ý nghĩa cũng gần gần với câu nói “anh yêu em” của lũ trẻ.
Hoặc có khi chỉ đơn giản là: “Lâu rồi ông/ bà có khỏe không, có vui không…”. Cả
hai mặt ngời lên hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực là đấy chứ đâu.
Nhưng mà đó là chuyện ở xứ người. Và chuyện ở xứ nảo xứ nào đó lại làm dân mình
phát cuồng lên vì xúc động. Có bạn còn bình luận rằng, chỉ bên Tây mới vậy, ở
bên ta ấy à, còn lâu nhá… Thực tình, nếu nhìn xung quanh sân bay mình, bạn cũng
có thể thấy nhiều điều khiến mình xúc động.
Bạn có thấy anh công nhân từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp, quay về quê cũ đón vợ con vào “cơ ngơi” là căn nhà nhỏ mới mua được sau 10 năm làm lụng chắt bóp. Vẻ mặt chị vợ vẫn còn chút băn khoăn về nơi mình chưa đến, dường như xa ngái lắm. Chị ôm đứa con đang gục đầu trên vai mẹ ngủ êm đềm. Anh chồng ôm vai vợ kể: “Bay vèo hai tiếng tới nơi. Trong nớ nhiều đồng hương mình lắm, em đừng lo chi”. Chị vợ đáp, mắt hấp háy: “ dừ người ta bay còn nhanh hơn chim hầy?”. Và họ háo hức nói chuyện ngày mai.
Bạn có thấy đa phần các bà mẹ trong những chuyến bay đêm đều giống nhau ở túi xách nặng trĩu. Có bà phải dừng khá lâu ở cửa an ninh vì bị yêu cầu bỏ hũ cà muối ra. Bà năn nỉ, “Con tui thèm cà muối lắm anh nờ”. Chàng trai trẻ ở cửa an ninh cứng rắn vừa đủ để không làm trái quy định, vừa nhìn theo bối rối. Anh thấy như mình đang ngăn chặn tình yêu mộc mạc của bà mẹ chứ không phải ngăn hũ cà muối kia. Nếu không phải thực thi quy định, anh đâu lòng nào cấm mẹ mang cho con chút cà quê mà anh vẫn nghe trong lời ca quen thuộc: “Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn”. Trong túi xách cồng kềnh của các bà mẹ quê luôn có cả lạc quê, bánh đa khô, đậu tương, đậu xanh, hành tăm, chè chát… Những thứ ấy trong Sài Gòn đương nhiên là có nhưng đâu mang đẫm vị quê, đâu ngon như những thứ từ vườn từ nương mẹ vun trồng, vừa hái mang theo.
Bạn có thấy ông bố từ quê lên phố lần đầu đi thăm con cháu, khi tiếp viên nhắc tắt nguồn điện thoại thì không biết tắt, phải nhờ chàng trai trẻ cạnh mình tắt hộ. Rồi khi đáp xuống sân bay cũng không biết làm sao để mở ra mà gọi cho con. Chàng trai ngồi cạnh không chỉ bật nguồn hộ, còn xách túi xách, bao tải… giúp ông ra tận cửa sân bay. Tận khi gặp được con trai ông cụ, cậu mới dám quay đi bắt xe ôm về, dù đó là lúc gần nửa đêm. Giờ đó thì ai cũng buồn ngủ, cũng mỏi lưng mà muốn nghĩ tới chăn ấm nệm êm, nhưng nghĩ tới ông cụ có thể bị lạc giữa sân bay xa lạ thì đành lòng nào quay đi.
Và bạn có thấy lòng có chút chộn rộn xốn xang khi lên một chuyến bay về quê, xung quanh toàn giọng quê mình. Rồi thì là mà hỏi han nhau ở chỗ nớ có rú, chỗ tê có sông… Bạn thấy lưng mình dường như đỡ mỏi, chân mình đỡ chồn sau những tháng ngày bôn ba công việc quay về quê cũ, nhà cũ, là nơi bạn lớn lên và đi xa. Một trời yêu thương ở đó nên đôi khi chỉ cần nghe giọng lao xao chen nhau thôi là thấy lòng rộn rã.
Có những điều tưởng như giản đơn lắm, chẳng đáng để tâm gì. Nhưng kỳ thực vẫn thật ngọt ngào. Ngọt như một câu hát: “Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng…”. Dù không nói năng nhưng sẽ còn thật nhiều điều còn đọng lại. Tôi đã có nhiều chuyến bay bị delay, nhưng thú thực không hề bực bội khi dùng thời gian ấy chỉ để “nhiều chuyện” nhìn ngó và lắng nghe những điều xảy ra xung quanh mình.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét