Bên ngoài một nhà máy giấy, giẻ rách
chất thành những đống cao. Chúng được tập trung về đây từ nhiều nơi xa gần. Mỗi
mảnh giẻ vải đều có một câu chuyện để kể, và chúng cũng đang kể với nhau kia
thôi – nhưng mà ta không thể nghe hết được ngần ấy chuyện. Trong số chúng có những
miếng là vải nội địa, nhiều miếng khác là từ nước ngoài.
Một mảnh vải Đan Mạch nằm cạnh một mảnh
vải Na-uy. Một bên thì dứt khoát là hàng Đan Mạch, một bên thì rõ ràng là hàng
Na-uy – và làm thế nào để biết được thì bất cứ một người Đan Mạch hay Na-uy nào
cũng có thể nói cho bạn biết. Chúng có thể hiểu nhau được mặc dù chúng nói hai
ngôn ngữ khác nhau mà theo miếng giẻ Na-uy thì như tiếng Pháp với tiếng Hebrew
vậy. Nó nói: “Người Na-uy chỗ chúng tôi lên vùng đồi núi cao để sống và giữ được
tiếng nói của mình trong sáng thuần nhất, trong khi những người Đan Mạch lại
pha trộn ngôn ngữ thành một thứ tiếng lóng ậm ừ trong miệng!”
Và đám giẻ rách đang nói chuyện với
nhau đấy. Giẻ thì ở đâu cũng là giẻ, chẳng có giá trị gì cả trừ khi ở trong một
đống giẻ.
“Tôi là
hàng Na-uy!” Miếng
giẻ Na-uy nói. “Và khi tôi nói tôi là hàng Na-uy thì thế là đủ. Tôi làm từ loại
sợi tốt nên bền chắc như những phiến đá granite Na-uy cổ xưa. Đất ở Na-uy có
thành phần và cấu tạo như đất ở nước Mỹ tự do vậy. Vì thế mà từng sợi vải của
tôi lúc nào cũng thấy rộn ràng khi nghĩ về xuất thân của tôi và bao giờ cũng tự
hào biểu thị những ý nghĩ của tôi bằng ngôn ngữ của đá granite!
“Nhưng
chúng tôi có văn chương,” miếng vải Đan Mạch nói, “Anh có hiểu văn chương là gì
không?”
“Hiểu à?” Miếng vải Na-uy lặp lại. “Đồ dân
vùng thấp! Tôi có nên cho anh chàng giẻ rách này lên vùng cao để ánh sáng
phương bắc chiếu lên cái thân giẻ rách của anh ta không? Khi mặt trời Na-uy chiếu
ánh sáng làm tan các phiến băng và những người Đan Mạch chở bơ và pho mát lên
vùng đất của chúng tôi – những thứ hàng hóa ăn được – việc đó tôi thừa nhận là
tốt – nhưng qua những chuyến tàu bọn họ lại mang đến cả văn chương của đất nước
họ nữa! Thứ đó thì chúng tôi cần gì chứ. Ai mà cần đến bia thiu khi có những
dòng suối trong mát và cả một giếng nước thiên nhiên chưa từng có ai chạm tới,
cũng chưa từng được công bố với những người Châu Âu thậm chí trên các tờ báo ba
hoa nhất, từ miệng các nhà thầu hoặc các du khách nước ngoài. Tôi nói một cách
thẳng thắn từ đáy tim phổi mình đấy, và người Đan Mạch các anh phải quen với
cách ăn nói thẳng thắn đi. Mà chắc chắn là các anh phải như thế vào một ngày
kia các anh muốn đến với đất nước hùng vĩ đỉnh cao thế giới chúng tôi!”
“Nhưng giờ thì một miếng giẻ Đan Mạch không
bao giờ ăn nói như thế – Không bao giờ!” Miếng giẻ Đan Mạch nói. “Cái kiểu cách
đó không có trong đặc trưng của chúng tôi. Tôi hiểu mình và tất cả những miếng
giẻ như mình. Chúng tôi có bản tính quá tốt, hết sức khiêm tốn và chúng tôi ít
nghĩ về bản thân mình. Chúng tôi như thế không phải để nổi tiếng hay kiếm chác
lấy gì, mà là chúng tôi thích như thế. Tôi nghĩ như vậy cũng khá hay. Bản thân
tôi cũng tự nhận thức khá rõ về những tính tốt của mình, tôi đảm bảo với anh
như thế, nhưng tôi chả kể lể về chúng. Chẳng ai bắt tội tôi vì thế cả. Tính tôi
ôn hòa, dễ dãi. Tôi lúc nào cũng kiên nhẫn chấp nhận mọi chuyện, chẳng bao giờ
ganh tị với ai và thường nói tốt về mọi người – mặc dù phần lớn người ta chẳng
có mấy cái tốt để người khác nói, nhưng đó là chuyện của họ. Tôi có thể mỉm cười
với mọi người và tôi biết mình thật là sáng suốt.”
“Đừng có nói với tôi cái giọng dân vùng thấp đấy
nữa – nó làm tôi phát ốm!” Miếng giẻ Na-uy nói, và một cơn gió nọ thổi phù anh
chàng từ đống giẻ này sang một đống khác.
Chúng tất thảy trở thành giấy. Miếng
giẻ Norwegian trở thành một tờ giấy mà một chàng Na-uy dùng để viết thư tình
cho một nàng Đan Mạch. Còn miếng giẻ Đan Mạch trở thành giấy viết bản thảo một
bài thơ Đan Mạch ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh của Na-uy.
Cho nên rất có thể một thứ tốt đẹp
nào đó vốn được tạo ra từ những miếng giẻ rách khi chúng biến thành chân lý và
cái đẹp. Chúng giúp cho chúng ta hiểu được nhau và chính đó là hạnh phúc.
Cây chuyện như vậy đấy. Nó cũng mua
vui và không làm mếch lòng ai – trừ đám giẻ rách.
The
Rags – Andersen
saipw dịch
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét