Có lần, một người du sĩ tên
là Vacchagotta đến gặp Phật và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, sau khi chết
một người đã giác ngộ và giải thoát sẽ đi về đâu?” Nhưng dù cho anh ta có cố
đặt câu hỏi cách nào đi chăng nữa, đức Phật vẫn giải thích rằng câu hỏi của anh
không đúng vì không thích hợp.
Sau cùng, đức Phật bảo anh ta:
“Này Vaccha, hãy nhặt những que củi nhỏ quanh đây và nhóm lửa lên.” Anh ta
nhặt các que củi lại và đốt lửa. Đức Phật lại nói: “Hãy bỏ thêm củi vào!” Anh
ta làm theo lời Phật dạy.
Đức Phật hỏi: “Thế nào
rồi?” Vacchagotta đáp: “Dạ, lửa cháy rất tốt.” Đức Phật lại bảo:
“Thôi đừng bỏ thêm củi vào nữa.” Sau đó đám lửa lụi tàn dần.
Đức Phật hỏi: “Thế nào rồi?”
“Dạ, đám lửa đã tàn.” Đức Phật hỏi: “Nếu bây giờ có người hỏi anh rằng ngọn lửa
tắt rồi đi về ngã nào? Hướng đông hay hướng tây, nam hay bắc? Đi tới trước hay
phía sau? Trái hay phải? Lên hay xuống? Vaccha sẽ giải đáp thế nào?”
– “Câu hỏi đặt như thế không đúng,
thưa Ngài, bởi vì lửa cháy do nhiên liệu, cỏ và cây khô. Khi nhiên liệu hết,
không còn gì nuôi ngọn lửa nữa, ta nói rằng ngọn lửa
tắt.” Vacchagotta đáp.
– Cũng đúng như vậy, đó cũng là điều
sẽ xảy ra cho người đã giải thoát sau khi mất. Cũng giống như ta bứng gốc một
cây kè và không còn gì có thể đâm chồi lên nữa, nó chết hẳn.”
Và đức Phật kết luận:
“Này Vaccha, người ấy đã vứt bỏ được cái gọi là thân này rồi, không thể đo
lường được, thật siêu việt, mênh mông như biển lớn. Nói rằng vị ấy tái sanh là
không đúng. Nói rằng vị ấy không tái sanh cũng không đúng. Mà nói rằng vị ấy
không tái sanh cũng không không tái sanh cũng không đúng.”
Nghe những lời ấy
xong, Vacchagotta cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Anh nói những lời Phật
dạy như một ngọn đuốc soi sáng một căn phòng tối, và anh nguyện sẽ nương tựa
vào tuệ giác ấy suốt cuộc đời mình.
Đó là ngày xưa. Còn bây giờ là ngày
nay. Nhưng điều ngạc nhiên là cả hai cũng không có gì là khác biệt nhau lắm.
Câu trả lời ta tiếp nhận từ giáo pháp của đức Phật, bao giờ cũng hoàn toàn
tương xứng và rất phù hợp với sự sâu sắc của câu hỏi mà ta đặt ra.
Trong một chuyến đi sang Anh giảng
dạy vào năm 1976 của vị thiền sư Thái lan Ajahn Chah, khi chuyến đi sắp
sửa chấm dứt, ngài hỏi đại chúng có mặt: “Quý vị còn có những câu hỏi chót nào
không? Có vấn đề gì mà quý vị vẫn chưa thấy hài lòng chăng?”
“Dạ có,” một người phụ nữ đáp. “Tôi đã được
nghe những giáo lý này trong nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi nghe một câu
trả lời nào thoả đáng cho câu hỏi: “Trạng thái Niết-bàn là gì? Chúng
ta có còn hiện hữu nữa hay không?”
Có một ngọn nến đang cháy bên cạnh
bục ngồi của ngài Ajahn Chah. Thấm ướt hai ngón tay, Ngài quay sang và bóp
tắt ngọn nến.
“Bây giờ ngọn nến đã tắt rồi, chúng ta có còn
gì để bàn luận thêm về nó không? Nó đã đi đâu, bây giờ nó có hiện hữu ở một nơi
nào khác hay không?” Ngài Ajahn Chah hỏi.
Và khi người phụ nữ đặt câu hỏi im lặng không trả lời, Ngài nói thêm:
“Không! Không có một lời luận bàn nào là thích hợp.”
“Câu trả lời của tôi có làm cô hài lòng
không?” Ngài hỏi.
“Không!” cô ta đáp.
“Tôi cũng vậy, tôi cũng không hài lòng với câu
hỏi của cô.”
Clark Strand
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét