Chuyện kể về một người có hai chiếc
bình lớn để chuyển nước. Một trong hai chiếc bình bị nứt nên khi gánh từ giếng
về, nước trong bình chỉ còn một nửa. Chiếc bình nứt vì thế mà luôn thấy dằn
vặt, cắn rứt, nên một ngày nó nói với người chủ nỗi xấu hổ của mình, nó xin lỗi
ông vì không hoàn thành nhiệm vụ gánh nước một cách trọn vẹn. Và rồi, trước nỗi
mặc cảm của chiếc bình nứt, người chủ đã trả lời: chính nhờ vết nứt của chiếc
bình mà nước tưới xuống cho những luống hoa mọc lên, duyên đáng và xinh đẹp…
Vết nứt tượng trưng cho khiếm khuyết
của mỗi chúng ta
Vâng, mỗi chúng ta đều có thể như
chiếc bình nứt kia. “Vết nứt” ấy tượng trưng cho khiếm khuyết, cho những gì
không trọn vẹn trong bản thân mỗi con người. Nhưng cũng như chiếc bình – dù nứt
mà vẫn có ích cho đời – gieo nguồn nước cho những luống hoa mọc lên. Mỗi người
chúng ta – dù không hoàn hảo như chiếc bình lành, nhưng ai cũng có những giá
trị riêng, những đóng góp riêng cho xã hội. Chính điều đó làm nên những chỗ
đứng khác nhau của mỗi con người trong cuộc đời.
Con người vẫn thường hay băn khoăn về
bản thân, vì theo cách tự nhiên, tất cả mọi người trong cuộc đời này đều yêu
thích và hướng về cái đẹp, ưa chuộng sự toàn thiện, toàn mỹ. Vì thế nên khi
chúng ta nhận thấy mình không hoàn hảo, thấy mình có những khuyết điểm, có
những mặt hạn chế, thấy mình không bằng được người ta, không được tốt đẹp như
người khác… chúng ta sẽ thấy khó chịu và cắn rứt – cũng như chiếc bình nứt luôn
mang mặc cảm khi so sánh nó với chiếc bình lành. Thật vậy, có biết bao khiếm
khuyết khiến chúng ta mặc cảm về bản thân mình. Một đôi tay không lành lặn, một
giọng hát không hay, một khả năng toán học dở tệ hay một gia cảnh kém đầy đủ…
tất cả đối với chúng ta thật đáng buồn, thật là những vết nứt khó xoá bỏ. Và
như thế, chúng ta cứ mãi dằn vặt về bản thân mình.
Thế nhưng, chúng ta quên mất rằng,
đằng sau những khiếm khuyết ấy, mỗi người vẫn luôn có những giá trị riêng. Nước
chảy ra từ khe nứt của chiếc bình không lành lặn kia đã gieo mầm sự sống cho
những luống hoa ven đường.
Mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta
có thể thiếu sót, khiếm khuyết ở điểm này nhưng ta vẫn còn những giá trị tốt
đẹp ở điểm khác. Có thể bạn hát không hay, nhưng bạn có thể chơi bóng. Có thể
bạn không biết đánh đàn, nhưng bạn lại là một vận động viên marathon rất cừ. Có
thể bạn sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, nhưng nhờ đó bạn biết nâng
niu những niềm vui dù nhỏ nhặt nhất ở cuộc đời, biết quý trọng và bảo vệ tình
yêu thương giữa mình với mọi người xung quanh. Bởi vì mọi thứ trong cuộc sống
chỉ có tính tương đối, bởi vì không có gì là “bất hạnh hoàn toàn”, “khiếm
khuyết hoàn toàn” – nếu bạn biết mở rộng đôi mắt lạc quan để nhìn nhận và yêu
thương cuộc sống, để yêu thương và quý trọng chính bản thân mình.
Mỗi con người, đối diện với những
khiếm khuyết của bản thân, nên học cách chấp nhận sự không hoàn hảo ấy và đồng
thời cần biết vươn đến những điều tốt đẹp. Hay nói cách khác, chúng ta cần học
cách hiểu về bản thân, biết điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để tự hoàn
thiện, để làm nên một “ta” ngày càng tốt đẹp hơn.
Và chúng ta hãy học cách nhớ rằng:
cuộc sống này không có ai là hoàn hảo, không có gì là tuyệt đối. Chiếc bình
lành tưởng chừng rất hoàn hảo, nhưng hoá ra nó “khuyết” ở chỗ không thể làm
những luống hoa ven đường mọc lên. Như vậy, một cách nào đó, chiếc bình lành và
chiếc bình nứt đã bổ khuyết cho nhau, cùng nhau giúp ông chủ vừa có nước đầy,
vừa có những luống hoa xinh đẹp.
Cuộc sống cũng vậy; vì con người
không ai hoàn hảo nên con người phải tìm đến nhau, bổ khuyết cho nhau. Ấy chính
là một trong những điều kì diệu của cuộc sống.
Sưu Tầm
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét