Cuối cùng thì Linda Birtish đã hiến tặng
toàn bộ cơ thể mình. Linda là một giáo viên rất nổi bật, cô nghĩ nếu có thời
gian rảnh rỗi, cô sẽ năng vẽ những bức tranh tuyệt đẹp và sáng tác những bài
thơ thật hay. Nhưng đến năm 28 tuổi, cô bắt đầu bị hành hạ bởi những cơn đau đầu
dữ dội. Rồi một ngày nọ, bác sĩ phát hiện một khối u rất to ở trong não của cô.
Họ bảo rằng cơ hội sống sót sau khi phẫu thuật chỉ khoảng hai phần trăm. Vì vậy,
thay vì phải tiến hành phẫu thuật ngay, các bác sĩ quyết định trì hoãn thêm sáu
tháng nữa.
Hơn ai hết, cô biết rõ mình có năng
khiếu thiên bẩm về hội họa. Vì thế, trong thời gian sáu tháng chờ đợi cơ hội
chiến thắng tử thần, cô lao vào làm thơ và vẽ tranh không mệt mỏi. Tất cả những
bài thơ của cô, trừ duy nhất một bài, đều được đăng trên các tạp chí nổi tiếng.
Tất cả các bức tranh của cô, trừ duy nhất một bức, đều được đem triển lãm và
bán cho rất nhiều người tại một số phòng tranh danh tiếng. Cô gửi gắm vào những
bức tranh có gam màu tươi sáng của mình một khát vọng sống mãnh liệt, và gieo
vào những vần thơ một cách nhìn lạc quan, cho dù số phận có quay lưng lại với
cô.
Sau sáu tháng dài chờ đợi, Linda cuối
cùng cũng được phẫu thuật. Đêm trước ngày định mệnh ấy, cô quyết định sẽ cho đi
tất cả những gì thuộc về mình. Cô viết một bản “di chúc” rằng nếu chết đi, cô
xin được hiến tặng toàn bộ các bộ phận trên cơ thể mình cho bất kỳ ai đang cần
chúng hơn cô.
Rủi thay, cuộc phẫu thuật thất bại.
Thế là đôi mắt của cô được chuyển đến một ngân hàng mắt ở Bethesda, Maryland,
và từ đó chuyển đến cấy ghép cho một bệnh nhân sống ở tận vùng phía Nam
Carolina. Và một chàng thanh niên hai mươi tám tuổi mù lòa đã có thể nhìn thấy
được. Người thanh niên và cả gia đình anh ấy đều rất đỗi vui mừng, anh gởi đến
ngân hàng mắt một lá thư cảm ơn vì đã giúp anh được sáng mắt trở lại. Đó chỉ là
lá thư cảm ơn thứ hai mà ngân hàng mắt nhận được sau khi đã cho đi hơn 30.000
đôi mắt!
Hơn thế nữa, chàng thanh niên nọ cũng
muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình của người đã hiến tặng anh đôi mắt. Anh nghĩ rằng
họ phải là những người vĩ đại lắm mới có được người con sẵn sàng cho đi đôi mắt
của mình. Các bác sĩ cho anh địa chỉ của gia đình Linda và anh quyết định bay
ngay sang Stalen Island để gặp mặt bằng được những người đã ban ơn cho mình.
Không hề báo trước cho gia đình Linda, anh dò tìm được địa chỉ của ngôi nhà, đến
trước cửa và bấm chuông. Sau khi nghe anh thanh niên giới thiệu về mình và mục
đích của anh trong chuyến đi này, bà Birtish xúc động dang đôi tay ôm chầm lấy
anh thanh niên nọ và nói:
“Này chàng trai trẻ, nếu con chưa
tìm thấy chỗ nào để nghỉ, vợ chồng ta rất vui mời con ở lại chơi cùng chúng ta
vào dịp cuối tuần này, con nhé?”
Anh thanh niên rất vui được ở lại
cùng gia đình họ. Khi bà Birtish dẫn anh tham quan căn phòng của Linda ngày trước,
anh thấy một cuốn sách của triết gia Plato trên kệ sách của Linda. Anh cũng đọc
Plato bằng chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Rồi anh nhận ra cô
gái ấy rất thích đọc Hegel và một lần nữa, anh cũng từng đọc Hegel bằng chữ
Braille.
Buổi sáng hôm sau, bà Birtish nhìn
anh thanh niên với vẻ dịu dàng và nói:
“Con trai ạ, ta chắc chắn là đã gặp
con ở đâu đó trước đây rồi, nhưng ta lại không tài nào nhớ được.”
Rồi bà chợt nhớ ra điều gì đó. Bà chạy
vội lên lầu và lấy ra bức tranh cuối cùng cũng là bức duy nhất mà Linda không
bao giờ chịu bán đi khi cô ấy còn sống. Đấy chính là bức chân dung người đàn
ông lý tưởng mà cô đã gặp trong những giấc mơ của mình.
Thật ngạc nhiên, khuôn mặt trong bức
họa kia giống hệt với khuôn mặt người thanh niên đã nhận đôi mắt của Linda.
Sau đó, người mẹ của Linda đọc cho
anh nghe một đoạn trong bài thơ cuối cùng mà cô đã viết trên giường bệnh:
Trong giấc mơ, có hai trái tim vô
tình gặp gỡ
Họ yêu nhau...
Nhưng mãi mãi trong cõi thực, họ sẽ
không gặp nhau bao giờ.
Jack Canfield và Mark Victor Hansen
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét