31 tháng 10, 2012

2 ĐÔ-LA VÀ 1 GIỜ

.



          Một người cha đi làm về rất muộn, mệt mỏi và bực bội sau một ngày bận rộn ở cơ quan. Ông vừa về đến nhà, đứa con trai năm tuổi đã ngồi chờ từ lúc nào và hỏi:

          - Bố ơi, con hỏi bố một câu được không?
          - Được chứ, con hỏi gì - Ông bố đáp.
          - Bố ơi, bố làm được bao nhiêu tiền một tiếng đồng hồ?
          - Đó không phải là việc của con. Mà tại sao con lại hỏi một việc như thế hả ? - Ông bố hết kiên nhẫn.
          - Con muốn biết mà - đứa con nài nỉ.
          - Nếu con cứ khăng khăng đòi biết, thì bố sẽ nói. Bố làm được hai đôla một giờ đồng hồ.
          - Ôi - đứa bé rụt rè hỏi - bố cho con vay một đôla được không?

          Ông bố rất bực mình:
          - Nếu lý do duy nhất con muốn biết bố làm được bao nhiêu tiền chỉ là để vay mà mua mấy thứ đồ chơi vớ vẩn, thế thì mời con đi ngay vào phòng mình và ngủ đi. Hãy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ đến thế! Bố làm việc vất vả cả ngày, và không có thời gian cho những chuyện ấy đâu!

          Đứa bé đi vào phòng đóng cửa. Ông bố ngồi xuống càng nghĩ càng cáu. Tại sao đứa con lại dám hỏi mình một câu như thế chứ?

          Một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố nghĩ có thể đứa con rất cần tiền để mua một thứ gì đó, và nghĩ rằng mình đã quá nghiêm khắc với nó. Ông đi vào phòng con:

          - Con ngủ chưa?
          - Chưa ạ, con còn thức! - cậu bé nằm trên giường đáp.
          - Bố suy nghĩ rồi, có thể bố đã quá nghiêm khắc. Đây là một đôla cho con.

          Cậu bé cầm lấy rồi thò tay xuống dưới gối, lôi ra thêm mấy tờ tiền lẻ nữa.

          Ông bố thấy con có tiền từ trước lại cáu. Khi đứa con xếp thành một xếp tiền ngay ngắn, ông bố càu nhàu:

          - Tại sao con lại vay thêm tiền khi con đã có rồi?
          - Vì con chưa có đủ ạ!

          Bỗng đứa trẻ ngẩng lên vui sướng
          - Bây giờ thì con có đủ rồi! Bố ơi, đây là hai đô la, con có thể mua một giờ trong thời gian của bố không?


.

30 tháng 10, 2012

Điều con người cần nhất

.


1.
          Đó là một buổi tối rất bình yên, cả nhà tôi đang cùng xem bộ phim truyền hình yêu thích thì chuông điện thoại reo. Mẹ nhấc máy. Chăm chú lắng nghe, nói “Vậy à, vậy à, ừ…”. Rồi đặt máy. Tôi thoáng thấy mẹ làm một việc rất lạ nữa – rút “giắc” cắm điện thoại. Rồi mẹ lại cùng bố con tôi xem phim. Đó là đêm cháy chợ Đồng Xuân. Bạn hàng hốt hoảng báo cho mẹ biết là lửa đã cháy đến sạp vải của nhà chúng tôi. Sau đó là những năm vay mượn, đầu tắt mặt tối, gây dựng lại từ đầu. Có lần tôi hỏi mẹ về tối hôm đó, mẹ trả lời êm ả: “Mẹ không muốn bố cuống lên rồi lao đến đó, nhỡ có làm sao…”. Cả cơ nghiệp lao đao, nhưng trong giây phút đó, mẹ chỉ nghĩ đến bố tôi.


2.
          Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi… Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà. Không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.


3.
          Cha tôi là một người thành đạt, cha rất yêu công việc, đi sớm về khuya, mất ăn mất ngủ. Còn mẹ tôi, trong mắt mọi người, là một phụ nữ thật bình thường với những lo toan giản dị. Nhưng có lần cha nói với tôi rằng dù cha rất yêu thích công việc, nhưng cha không cần nó, cũng như cha cũng chẳng cần lắm nhà cửa, tiền bạc. Tất cả những gì cha cần là mẹ, có mẹ là cha có tất cả, kể cả những thứ rất quý giá, như là… chúng tôi.



          Đôi khi bạn phải ngạc nhiên về những người mà bạn yêu quý. Sự an nhiên nơi tâm hồn họ. Những quyết định đơn giản mà quyết liệt. Sự bình thản của họ trước những thứ tưởng chừng rất quan trọng, nhưng lại không thật sự quan trọng. Cái cách mà họ tha thiết với con người. Giản đơn, nhưng mãnh liệt.

          Nhưng hiểu được họ, bạn sẽ hiểu được niềm vui của thuỷ thủ đoàn khi nhìn thấy đất liền, của khách lữ hành khi nhìn thấy làng mạc, của nhà du hành vũ trụ qua khung cửa tàu nhìn thấy Trái Đất, của Robinson khi có được Thứ Sáu, nụ cười âu yếm của bất kỳ ai khi thấy một em bé sơ sinh. Cả việc tại sao, con người cứ mải mê tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái Đất… Và nỗi đau đớn khôn nguôi trào ra thành nước mắt và tiếng thét khi con người vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bệnh tật, mà phải mất nhau trong cõi nhân gian…

          Liệu bạn có nhận thấy, điều mà con người cần nhất trên thế gian này không phải danh vọng, không phải tiền bạc, không phải nhà cửa, không phải đất đai…

          Bạn có nhận ra không, điều mà Con Người cần nhất chính là Con Người


Ngô Thị Phú Bình



.

29 tháng 10, 2012

GIỌT NƯỚC MẮT CÁM ƠN

.


          Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe,nhìn đồng hồ đã năm giờ mười lăm rồi, nên bác tài đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên. Đúng ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra. Bác Chu tài xế nhịn không được thói quen này nên dừng xe lại, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.

          - “Bác tài, cháu… cháu muốn ngồi xe của bác.” Một bé gái chân đi cà thọt lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái nói vội vàng.


          Bác tài nói phải giao xe, và chỉ có dừng xe chút xíu thôi. Em bé gái cúi đầu, mấy giây sau nó lại thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm là một trạm thôi.”

          Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu tài xế động lòng, bác nhìn trên trên thân em bé gái mặc cái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa, nên nhịn không được bèn thở dài nói: “Lên xe.” Em bé gái sung sướng lên xe. Xe đến khúc quanh, em bé gái đột nhiên đằng hắng nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.” Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em bé gái mặt đỏ gất, không nói gì. Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.

          Lái xe đến trạm dừng công cộng thì bác tài dừng xe lại, em bé đứng nơi cửa vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.” Bác Chu tài xế nhìn thấy em bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại. Cũng từ ngày cuối tuần ấy, bác Chu tài xế mỗi ngày cuối tuần đều nhìn thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường, mấy chiếc xe taxi chạy qua, em bé gái nhìn như không nhìn, chỉ biết đứng chờ. Em bé gái đợi mình? Bác Chu đoán và trong lòng cảm thấy ấm áp, bác lái xe đến, em bé gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy, bác Chu tài xế rất kinh ngạc, xe bác ta màu da cam giống với các xe taxi khác, em bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ? Đây là ba đồng, đây là một trạm. Bác tài không hỏi nó tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm?

          Trong lòng em bé gái có một bí mật nhỏ, bác Chu tài xế rất hiểu điều này. Một lần, hai lần, ba lần, dần dần bác Chu tài xế trở thành thói quen. Cuối tuần trước khi giao xe, thì người cuối cùng phải chở nhất định là cô bé thọt chân trong trường trung học số bốn mươi. Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường. Em bé gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi mà thôi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em bé gái xuống xe, câu cuối cùng vẫn là: “Cám ơn bác, bác tài.” Hình như chỉ đợi câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa thì bác Chu cũng lái xe đến trường. Có lúc giao xe bị phạt, bác ta cũng nhất định chở em bé gái đi một đoạn đường. Thời gian qua rất nhanh, tình hình này tiếp tục thêm một năm nữa, chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến. Nhìn em bé gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó. Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai, và nó sẽ học cấp ba ở đâu?

          - “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá. Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em bé gái nói như thế. Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em bé gái, trong lòng rất là không yên. Em bé quả nhiên rất ưu tú, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó thì đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.

          - “Vậy thì bác đưa con về nhà.” bác tài nói. Em bé gái lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.
          - “Lần này không lấy tiền.” Bác tài nói xong thì nhìn đồng hồ, đưa em bé gái về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền, nhưng có quan hệ gì chứ  Bác muốn ngồi chung với em bé gái thêm chút nữa. Em bé gái nói địa chỉ rất xa, còn thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, bác tài dừng xe, em bé ôm cặp bước xuống, bác tài lấy một cái hộp trong xe ra, nói:
          - “Đây là món quà bác tặng cháu.” Em bé gái kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào bác tài, nói: - “Cám ơn bác, bác tài.”

          Nhìn em bé gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài. Cháu bé, từ nay không còn gặp lại nữa? Bác tài cũng không biết tên em bé là gì nữa!

          Đã qua mười năm rồi. Bác Chu tài xế vẫn còn lái xe taxi. Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “nhắn tin tìm người, tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.” Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngớ người ra, có người tìm ông ta? Mười năm trước, ông ta lái chính là chiếc xe này. Điện thoại gọi thẳng đến tổng đài, người phụ trách tổng đài kinh ngạc đưa cho bác tài xế số điện thoại, bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ? Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra thì bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.

          Gọi điện thoại, bác tài nghe âm thanh của một cô gái trẻ, cô ta kinh ngạc vui mừng hỏi:

          - “Là bác sao, bác tài?” Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất là quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.
          - “Cám ơn bác, bác tài.” Cô gái lại nói.

          Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha, là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư? Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói:

          - “Từ trong lòng cháu cám ơn bác, bác tài.”

          Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước: Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô gái, mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà. Tết đến, cả nhà về quê ăn tết, vì để mang được nhiều đồ, ba của cô mượn xe bánh mì của người bạn. Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, từ đó chân của cô bị thương nặng. Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô, nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ, còn cô, sau khi vết thương lành thì lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn. Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình. Cho nên, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường. Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng? Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế. Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô bé lái xe đến đợi trước cổng trường.

          Cô bé chỉ có ba đồng để đi xe công cộng, nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi xe taxi, chỉ ngồi một trạm, sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà, mặc dù đường rất xa, nhưng cô bé vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô bé đã chết.

          - “Bác nhất định không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái đó là chiếc xe mà ba của cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”

          Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên, từ xa xa, chỉ cần nhìn thì cháu liền nhận ra nó.” Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.

          - “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình, cháu không biết, nếu không có nó thì cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không. Hơn nữa, bác trả lại cháu tiền xe, cháu vẫn cứ giữ nó. Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể khắc phục được. Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.” Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình. Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”

          Tấm huy chương này là của bác Chu tài xế làm quà tặng cho cô gái mười năm trước. Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê. Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống. Cô gái thọt chân ấy, cô gái ấy bây giờ bác tài mới biết tên cô ta là Lâm Mỹ Tuyết, cô gái và con của bác tài, đã chết cách đây mười năm vì ung thư, thật quả là ấn tượng giống nhau! Con gái của bác khi còn sống, cứ mỗi ngày cuối tuần thì bác đều lái xe đến trường đón nó. Con gái trước khi lên xe thì nói: “Cám ơn ba.”, xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm cho bác tài cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc!

          Tấm huy chương ấy là của con gái ông được thưởng trong kỳ thi Olympic, đã làm cho ông ta rất kiêu hãnh và hy vọng, nhưng con gái ông đột nhiên chết đi khiến cho ông ta không kịp đề phòng. Lại đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông ta đều dừng xe lại, hình như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”

          Trên đường trở về nhà, bác Chu mua một tờ báo, vừa mở báo ra xem thì bác liền thấy ngay hình của cô gái thọt chân ấy. Cô ta cười tươi với bác Chu tài xế, trên đề mục có chạy hàng chữ lớn: “Lâm Mỹ Tuyết – phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S...” bác Chu tài xế kinh ngạc há hốc miệng, đọc nhanh như chớp, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc ra hút theo thói quen.

          Đột nhiên, tay của ông ta chạm phải một phong bì, lấy ra, bên trong phong bì đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm, bác Chu ngớ ra, bác ta nghĩ không ra Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào? Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không?

          Giữa xấp tiền mỹ kim ấy còn kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là tiền lời của yêu thương, xin bác nhận lấy. Cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu. Cám ơn bác, bác tài!”

          Cặp mắt của bác tài lại mờ mờ thêm một lần nữa...
 
Linh Mục Giuse Maria Nhân Tài dịch




.

Làm thế nào để bỏ con voi vào trong tủ lạnh?

.



Câu hỏi 1:
Làm thế nào để bỏ con voi vào trong cái tủ lạnh?

          - Xẻ thịt con voi ra rồi nhét vào tủ lạnh!
          - Sai.
          - Dùng phòng lạnh thay cho tủ lạnh để chứa con voi!
          - Sai.
          - Dùng đèn pin của Đôrêmôn thu nhỏ con voi lại rồi cho vào tủ lạnh!
          - Câu trả lời đúng là: Mở tủ lạnh ra, cho con voi vào rồi đóng cửa tủ lại.

Câu hỏi 2:
Làm thế nào để bỏ con hươu cao cổ vào trong tủ lạnh?

          - Mở tủ lạnh ra, cho con hươu cao cổ vào rồi đóng cửa tủ lại.
         
- Câu trả lời đúng là: Mở tủ lạnh ra, lấy con voi ra rồi cho con hươu cao cổ vào và đóng cửa lại.


Câu hỏi 3:
Vua sư tử đang tổ chức một hội nghị các loài vật.
Tất cả các con vật đều tham dự, ngoại trừ một con. Đó là con vật nào?

          -Ai mà biết!
         - Câu trả lời đúng là: Con hươu cao cổ. Nó vẫn còn ở trong tủ lạnh, nhớ không?


Câu hỏi 4:
Có một con sông mà bạn phải đi qua, nhưng dưới sông lại có cá sấu sống.
Bạn sẽ xử lý ra sao?

          -Đóng bè bơi qua!
          - Sai.
          -Tìm cây cầu rồi leo lên cầu đi qua!
          - Câu trả lời đúng là: Bạn cứ từ từ bơi qua sông. Không có con cá sấu cắn bạn vì chúng bận đi dự cuộc họp của vua sư tử rồi, phải không?

______________________________


          Đây thật ra là bài kiểm tra logic học thường được sử dụng trong phỏng vấn hay test IQ cho những ứng viên cao cấp.
          Câu 1 kiểm tra khả năng xử lý tình huống.
          Câu 2 nhằm kiểm tra tính máy móc.
          Câu 3 kiểm tra trí nhớ.
          Câu 4 này nhằm kiểm tra khả năng học hỏi từ sai lầm.

Bạn hãy yên tâm, rất ít người vượt qua kỳ sát hạch này, trong đó có tôi!

Nếu bạn không trả lời được các câu hỏi trên  thì
hãy dùng chuột rê chọn tất cả bài viết phía trên
thì sẻ thấy câu trả lời !

Sưu tầm



.

28 tháng 10, 2012

XUÂN, HẠ, THU & ĐÔNG ...

.


          Thử nghĩ xem, chúng ta được gì, mất gì khi cứ luôn chạy theo những thứ mãi mãi không thuộc về mình, luôn chờ đợi những gì không dành cho mình? Có một câu chuyện kể rằng...

          Khi Mùa Xuân chuẩn bị ra đi thì Mùa Hè đến. Mùa Hè mang đến cho Mùa Xuân một bó hoa hồng rất đẹp và nói:


          - Mùa Xuân ơi, hãy tin tôi, tôi yêu em. Hãy ở lại với tôi! Chúng ta sẽ cùng đi chơi, đến tất cả những nơi mà em muốn.

          Nhưng Mùa Xuân không yêu Mùa Hè. Và cô ra đi. Mùa Hè buồn lắm. Mùa Hè ốm, nhiệt độ lên cao. Mọi thứ xung quanh trở nên rất nóng.


           Sau một thời gian, Mùa Thu đến, mang theo rất nhiều trái cây ngon. Mùa Thu rất yêu Mùa Hè. Cô không muốn Mùa Hè phải buồn.
          - Mùa Hè ơi, đừng buồn nữa. Hãy ở lại với em. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho anh.
          Nhưng với Mùa Hè, Mùa Xuân mới là tất cả. Và anh ra đi. Mùa Thu khóc, khóc nhiều lắm. Mọi thứ xung quanh trở nên ướt át.


          Một thời gian sau, Mùa Đông đến, mang theo cậu con trai của mình là Băng Giá. Những giọt nước mắt của Mùa Thu làm Băng Giá cảm thấy xao xuyến. Anh muốn đem lại hạnh phúc cho Mùa Thu:
          - Mùa Thu ơi, hãy ở bên tôi. Tôi sẽ xây cho em những lâu đài, những con đường bằng băng. Tôi sẽ hát cho em nghe những bài hát hay nhất. Hãy ở bên tôi.
          - Không, Băng Giá ạ. Ở bên anh tôi sẽ luôn cảm thấy lạnh lẽo thôi.

          Và Mùa Thu ra đi. Băng Giá buồn lắm. Gió thổi mạnh. Chỉ trong một đêm, mọi thứ trở nên trắng xóa bởi tuyết. Mùa Đông thấy con như vậy thì rất lo lắng. Bà nói:
          - Tại sao con không yêu Mùa Xuân? Cô ấy đã đến và hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho con.
          - Không, mẹ ơi, con không thích. Chúng ta hãy rời khỏi đây đi.
          Và họ ra đi.


          Chỉ còn lại một mình Mùa Xuân. Cô khóc. Nhưng rồi bất chợt Mùa Xuân nhìn ra xung quanh: "Ôi, tại sao mình phải khóc chứ? Mình còn rất trẻ và xinh đẹp nữa. Thời gian dành cho mình không nhiều. Tại sao mình không làm những việc có ý nghĩa hơn?".

          Và mọi thứ như sống lại: cây cối xanh tốt, ra hoa, đâm chồi, nảy lộc...



          Trong chúng ta, có bao nhiêu người được như Mùa Xuân: kịp nhận ra lối đi dành cho mình? Và những ai còn giống như Mùa Hạ, Mùa Thu và anh chàng Băng Giá: mãi khổ đau khi không đạt được ước muốn - những ước muốn không thể thành hiện thực?



.

27 tháng 10, 2012

ĐỪNG !!!

.



          Đừng để nhìn thấy 1 nụ cười rồi mới cười lại !
          Đừng đợi đến khi được yêu thương mới yêu thương lại !
          Đừng đợi đến khi cô đơn mới nhận ra giá trị của tin nhắn !
          Đừng đợi đến khi có 1 công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu làm !
          Đừng để có thật nhiều rồi mới chia sẻ đôi chút !
          Đừng để đến khi làm người khác buồn rồi mới xin lỗi !
          Ðừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác ! Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đều có những giá trị khác nhau.
          Ðừng mãi mê theo đuổi những mục tiêu mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ có bạn mới hiểu rõ những mục tiêu nào là tốt cho mình !
          Ðừng ngại học hỏi ! Kiến thức là một tài sản vô hình và sẽ là hành trang vô giá theo bạn suốt cuộc đời.
          Ðừng ngại mạo hiểm để làm những điều tốt ! Ít nhất, bạn cũng học được cách sống dũng cảm với những lần mạo hiểm.
          Ðừng nên phí phạm thời gian hoặc những lời nói thiếu suy nghĩ ! Cả hai thứ ấy một khi đã qua đi hay thốt ra thì không thể nào bắt lại được.
          Đừng để cuộc sống đi qua mắt bạn chỉ vì bạn đang sống trong quá khứ hay tương lai ! Bằng cách sống cuộc sống của mình ngày hôm nay, vào lúc này, bạn đang sống tất cả mọi ngày trong cuộc đời.
          Đừng quên hy vọng ! Sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.
          Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình ! Chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.
          Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại !
Chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ "giàu có" trong cuộc sống của mình.
          Đừng để những khó khăn đánh gục bạn! Hãy kiên nhẫn, rồi bạn sẽ vượt qua !
          Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ ! Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời.
          Đừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu ! Đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.
          Đừng chờ đợi những gì bạn muốn, mà hãy đi tìm kiếm chúng !
          Đừng từ chối, nếu bạn vẫn còn cái để cho !
          Đừng ngần ngại thừa nhận rằng bạn chưa hoàn hảo !
          Đừng e dè đối mặt thử thách ! Chỉ khi thử sức mình, bạn mới học được can đảm.
          Đừng đóng cửa trái tim và ngăn cản tình yêu đến, chỉ vì bạn nghĩ không thể nào tìm ra nó !
          Cách nhanh nhất để nhận tình yêu là cho, cách mau lẹ để mất tình yêu là giữ nó quá chặt, cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là cho nó đôi cánh tự do.
          Đừng đi qua cuộc sống quá nhanh đến nỗi bạn quên mất mình đang ở đâu và thậm chí quên mình đang đi đâu !
          Đừng quên nhu cầu cảm xúc cao nhất của một người là cảm thấy được tôn trọng !
          Đừng ngại học hỏi ! Kiến thức là vô bờ, là một kho báu mà ta luôn có thể mang theo dễ dàng. Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn ! Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại.
          Đừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn đã sụp đổ ! Vì biết được thêm một điều mới mẻ thì đó là lúc bạn tiến bộ rồi. Đừng ngồi một chỗ mà ngáp dài và than vãn, hãy bắt tay làm một việc gì có ích, là bạn sẽ thấy cuộc sông đẹp. Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống !
          Đừng quên tìm cho mình một người bạn thực sự, bởi bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời ! Và cuối cùng, Đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần ! Bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng.

          Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá...
          Hãy cho đi rồi bạn sẽ nhận được thật nhiều! Gửi thông điệp này đến những người mà bạn yêu quý. Và đừng quên gửi lại cho tôi nếu tôi vẫn là 1 người bạn của bạn! Bạn nhận được tin nhắn này…. thì hãy cười đi nhé! Vì ít nhất đâu đó quanh đây… có một người nhớ đến bạn..



.

Sống thanh thản giửa đời

.



          Một người không tốt với bạn, bạn không nên quá bận tâm.

          Trong cuộc sống của bạn, không ai có nghĩa vụ phải cư xử tốt với bạn trừ cha mẹ.
Còn với những người tốt với bạn, bạn nên trân trọng và biết ơn điều đó.
          Nhưng bạn cũng cần phải có chút đề phòng bởi mỗi người khi làm bất cứ việc gì đều có mục đích riêng của họ . Hãy nhớ, họ tốt với bạn không đồng nghĩa với việc họ phải quý mến bạn.

          Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của bạn.
Vì thế, nếu sau này người bạn yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi bạn có thể đặt niềm tin, bạn cũng đừng bi lụy.
          Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, bạn đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu nhưng bạn chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày. Hãy trân trọng và yêu lấy cuộc sống hiện tại của bạn.


          Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời bạn,
nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi. Nếu như người đó rời xa bạn, bạn hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại rồi nỗi đau của bạn cũng sẽ dần biến mất. Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn.

          Bạn có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế với mình.
Bạn có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng bạn không thể kì vọng người ta sẽ làm ngược lại. Khi bạn tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với bạn. Hãy nhớ điều này nếu không bạn sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.

          Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau, cho dù trong cuộc sống bận rộn bạn ít khi gặp mọi người, nhưng bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ, hãy dành cho họ thời gian để yêu thương bạn hơn.  



.

26 tháng 10, 2012

M Ệ T ...

.



Mỉm cười không mệt ...
Tức giận mới mệt ...

Ðơn thuần không mệt ,
phức tạp mới mệt .

Tương tư không mệt ,
đơn phương mới mệt .

Tương ái không mệt ,
 tương tàn mới mệt .

Chung tình không mệt ,
đa tình mới mệt .

Tình bằng hữu không mệt ,
tư tình mới mệt .

Chân thành không mệt ,
giả dối mới mệt .

Rộng rãi không mệt ,
ích kỷ mới mệt .

Ðược mất không mệt ,
tính toán mới mệt .

Thể chất mệt không phải mệt ,
tâm can mệt mới là mệt .



.

LỜI NÓI DỐI

.



          Thuở nhỏ, tôi được dạy rằng phải sống trung thực, không dối trá với bản thân mình và với mọi người, vì đó là con đường sáng duy nhất của kiếp người.
Khi đó, tôi chưa hiểu thế nào là trung thực, thế nào là dối trá, mà chỉ biết rằng những hành động nào của tôi làm vừa lòng người lớn, được khen là ngoan ngoãn thì đấy là những hành động trung thực. Nhưng đến một hôm, tôi đã biết sự thật trong những lời khen ấy.
          Tôi bắt đầu biết nói dối, những lời nói dối chân thành nhất của đời mình. Tôi có ngừơi bạn quanh năm lênh đênh trên con tàu nhỏ, đã cũ, đi câu mực, đánh cá trên biển, vài tháng mới trở lại đất liền vài ngày.
          Một lần, anh đi biển và thời tiết thay đổi đột ngột khiến biển động dữ dội.
          Nhà anh chỉ còn người mẹ già ốm yếu. Vì quá lo lắng cho con trai, bệnh tim tái phát khiến bà phải vào viện trong tình trạng hôn mê. Khi đó gió biển gào thét dữ dội.
          Các bác sĩ quyết định phải mổ ngay nhưng họ không thể tiến hành ca mổ trong lúc bà mẹ lâm vào tình trạng hôn mê, suy kiệt tinh thần hoàn toàn.
          Trong những lúc tỉnh táo ngắn ngủi, bà thều thào hỏi bảo đã tan chưa, con trai bà đã về chưa? Khi đó có một người làng bên cho biết đã tìm thấy mảnh vỡ của con tàu nhà bà dạt vào bờ biển. Bà hỏi các bác sĩ nhưng không ai trả lời.
          Tôi đứng ở đó và thật rồ dại khi trung thực kể cho bà nghe rằng con bão khủng khiếp lắm, kéo dài vài ngày nữa mới thôi, con tàu đã bị vỡ, sóng xô vài mảnh vỡ vào bờ, con trai bà (bạn thân của tôi) không biết số phận ra sao?
          Các bác sĩ không kịp cản tôi.
          Câu chuyện tôi vừa kể đã đánh gục những sức lực yếu ớt cuối cùng của bà. Bà nấc nhẹ và thiếp đi. Bác sĩ bó tay. Tôi tình cờ phạm phải một tội ghê ghớm mà suốt đời tôi không tha thứ cho mình. Sau khi tan bão, người bạn tôi sống sót trở về nhờ được một chiếc tàu khác cứu.
Anh không trách tôi mà chỉ gục bên mộ mẹ khóc nức nở. Sự trung thực ngu ngốc đã vô tình khiến tôi phạm sai lầm khủng khiếp.
          Trong truyện ngắn nổi danh "Chiếc lá cuối cùng" của O. Henrry, một bệnh nhân tin chắc mình sẽ chết. Cô đếm từng chiếc lá rụng của tán cây ngoài cửa sổ và tin rằng đó là chiếc lá đồng hồ số phận của cô.
          Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cô sẽ chết. Nhưng chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Cô gái bình phục, sống khoẻ mạnh mà không biết rằng chiếc lá cuối cùng đó chỉ là một chiếc lá giả do một hoạ sĩ vì muốn cứu cô đã vẽ lên vòm cây trơ trụi. (Nhưng sau đó chính người hoạ sĩ đã chết vì bạo bệnh do đã vẽ chiếc lá ấy trong một đêm mưa gió...)
          Như vậy, sự thật không phải được nhìn thấy bằng mắt, được cảm nhận bằng tri thức.
Nếu tôi không kể về cơn bão tôi thấy, về mảnh ván tàu vợ tôi được nghe, thì có lẽ người mẹ đau yếu ấy không chết. Nếu như không có chiếc lá giả kia, cô gái sẽ chết vì bệnh tật và vì tuyệt vọng. Sự thật trong đời sống con người phải đi đôi với tình yêu nữa. Chỉ có điều gì cứu giúp con người, làm cho con người mạnh mẽ lên, hướng con người về ánh sáng, về chân thiện mỹ... thì điều đó mới là sự thật chân chính.
          Còn tất cả những hành động, những lời nói cho dù đúng với mẳt mình thấy, tai mình nghe, tri thức của mình hiểu, nhưng chúng khiến cho người khác, hoặc làm cho niềm tin cuộc sống mất đi sức mạnh tinh thần dẫn đến việc huỷ hoại sự sống thì đều không phải là trung thực. Nếu chúng là sự thật, đó là sự thật của một con quỷ không biết yêu thương con người.

          Một lời nói dối trong tình yêu có thể cứu người và một lời nói thật phũ phàng có thể giết người. Tất nhiên, chúng ta phải chọn lời nối dối chân chính.
          Tuy vậy, để phân biệt khoảng cách giữa những lời nói này cũng là một điều khó khăn và tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh đặc biệt. Bạn có biết nói dối thế nào để lời nói dối ấy là lời nói dối chân thành, chứa đầy tình yêu thương con người?
          Đơn giản thôi. Bạn hãy giữ lấy một trái tim tha thiết với cuộc đời và đồng loại.



.

TÔI HÉT LÊN

.



          Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.  Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010.  Sau đây là bài viết mới của tác giả.

          ***

          Tôi mệt nhọc với cuộc đời,
          Tôi khò khè với cuộc sống!
          Tôi làm hãng cam, làm anh cai.
          Tôi đếm tiền.
          Tôi, vợ đẹp.
          Tôi, con khôn.
          Tôi ung thư.
          Tôi hét lên!

          . . .

          Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm.  Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.
          Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam.
          Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy.  Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay.  Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải.  Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ.  Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…
          Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá.  Thoạt tiên là mười lăm đồng.  Năm năm sau lương tăng lên.  Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếp.  Được làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn.  Nhưng cũng chẳng sao.  Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần.  Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ.  Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền.  Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

          Tôi hát nho nhỏ,
           “Tiền là tiên là Phật,
          Là sức bật của tuổi trẻ,
          Là sức khỏe của tuổi già.”

         
Tiền !
          Có tiền là có tiên.  Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam.  Nàng sửa cằm, bơm môi, nâng ngực, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn.  Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong.  Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo.  Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây.  Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo.  Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam.  Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang.  Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung.  Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng.  Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính.  Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang.  Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền.  Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến.  Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.
          Cuộc sống tôi thênh thang.  Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái.  Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống!
          Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật.  Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.
          Tôi đếm tiền mỏi tay!
          Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.
          Tôi hạnh phúc mênh mông!
          Đời tôi màu hồng.
          Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.
          Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.
          Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.
          Tôi, thiên đàng trần thế!
          Hồn ơi, vui lên!
           Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát.
          Đi khám, bác sĩ nói,
          — Ung thư cuống họng.
          Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc.
          Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!
          Thân thể xanh xao.  Mặt bủng da chì!
          Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.
          ôi húp phở, phở không ngon.
          Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.
          Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.
          Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.
          ôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.
          Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.
          Sáng sáng nhìn qua khung cửa,
          Bình minh rực rỡ,
          tôi mơ sức khỏe.
          Tôi khóc!  Trời ơi, sao đời phù vân!

          Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua.
          Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa.
          Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn.
          Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm.
          Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức.  Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc.  Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

          Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”
          Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,
          Ngày mai con có bài thi cuối khóa.
          Chúc bố chóng bình phục.”

          Nhưng tôi vẫn tuột dốc.
          Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.
          Tôi rớt xuống.
          Tôi chạm đáy vực sâu.
          Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.
          Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:
           “Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,
          Xin chữa con!
          Xin cứu con.
          Nếu bây giờ,
          Phép lạ xẩy ra,
          Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,
          Con sẽ vẫn làm anh cai,
          Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.
          Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!
Có đó rồi mất đó,
          Vô thường!  Vô thường!  Đại vô thường!”.

          Nhưng phép lạ không xẩy ra.
          Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,
          Tôi khò khè với bệnh tật!
          Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!
          Tôi nằm dài trên giường bệnh,
          Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.
          Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

          Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”
          Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”
          Tôi hét lên!  Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!
          Tôi mở mắt ra,
          Người ướt đẫm mồ hôi!
          Nhìn qua khung cửa,
          Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.
          Bên khung cửa,
          Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning!  Chào bình minh buổi sáng.”

          Tỉnh cơn ác mộng,
          Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua.
          Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.
          Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,
          — Ủa, không đi làm sao?
          Tôi đáp cộc lốc,
          — Không!
          Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…

          Nguyễn Trung Tây



.